I. ĐẶC ĐIỂM CÁC GIÁO XỨ

1.       Họ đạo Miền Bắc

1.1.    Đặc điểm về tổ chức sinh hoạt

          – Nhiều hội đoàn.  

          – Dễ thực hiện các chương trình sinh hoạt.

          – Các họ đạo tổ chức đồng bộ.

1.2.    Đặc điểm tâm lý giáo dân

          – Tôn trọng Cha, Thầy.

          – Quan tâm đến Cha, Thầy (để giúp đỡ và xem xét).

          – Coi trọng chức danh.

          – Thích những sinh hoạt nổi bên ngoài.

          – Mỗi địa phương, vùng có tâm thức khác nhau nên ta cần tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục của địa phương mà mình được gửi đến.

2.       Họ đạo Miền Nam

2.1.    Đặc điểm về tổ chức sinh hoạt

          – Đơn giản.

          – Hơi khó thực hiện chương trình sinh hoạt (do khá thụ động trong cộng tác).

          – Không đồng bộ trong mọi họ đạo.

2.2.    Đặc điểm tâm lý giáo dân

          – Không đặt nặng vấn đề hình thức.

          – Xuề xòa, sao cũng được.

          – Nặng về tình hơn lý.

          – Dễ có ấn tượng.

          – Luôn có tình thần ủng hộ.

          – Ít phóng đại sự việc.

          – Dễ nghe theo khi được hướng dẫn.

          – Cách xưng hô có phần dễ hơn họ đạo Miền Bắc.

3.       Họ đạo thành thị

3.1.    Đặc điểm về tổ chức sinh hoạt

          – Cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ.

          – Có đủ điều kiện và phương tiện cần thiết để tổ chức.

          – Giáo dân không tập trung, xen kẽ lương, giáo.

          – Giữa giáo dân và Cha, Thầy ít có sự gắn bó (nhiều nhà thờ, đi lễ tùy thích)

3.2.    Đặc điểm tâm lý giáo dân

          – Tâm thức, dân trí cao.

          – Tham gia công tác xã hội tốt, nhưng ít đi lễ.

          – Ý thức cao trong việc quản lý tài sản của họ đạo.

4.       Họ đạo nông thôn

4.1.    Đặc điểm về tổ chức sinh hoạt

          – Khu vực nhà thờ như một khu văn hóa.

          – Người dân gần gũi với nhau, hỗ trợ nhau.

          – Sinh hoạt tôn giáo ảnh hưởng theo mùa vụ.

          – Dễ dàng tập hợp

4.2.    Đặc điểm tâm lý giáo dân

          – Hạn chế về tâm thức về đạo và đời.

          – Ít linh động trong công việc của họ đạo.

          – Niềm tin tôn giáo đôi khi bị ảnh hưởng vì cá nhân: ghét Cha, Thầy có khi bỏ đi nhà thờ.

          – Xem Cha, Thầy là người “gì cũng biết”, là mẫu gương.

          – Chân thành, không khách sáo.

          – Rất mến Cha, Thầy.

          – Dễ bị kích động trước dư luận tốt, xấu.

Trên đây là những ý kiến chia sẻ một vài đặc điểm của các giáo xứ có nguồn gốc khác nhau, tuy nhiên sự phân chia chỉ có tính cách tương đối, vì một vài họ đạo chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau của môi trường, của nguồn gốc dân cư… Vì thế hãy xem-xét-làm cho phù hợp với môi trường nơi ta được sai đến thực tập mục vụ.

II. ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC

Điều hết sức cần thiết trong năm Thực Tập Mục Vụ là biết phối hợp hài hòa giữa đời sống thiêng liêng và đời sống phục vụ, giữa chiều kích tâm linh và chiều kích hoạt động. Như vậy, khi thi hành các công việc mục vụ, cần phải hiểu rằng việc “ở với Chúa” trong đời sống thiêng liêng là cần thiết, là nền tảng và là nguồn sức mạnh cho đời tông đồ mục vụ.

Để bảo vệ đời sống thiêng liêng và phát triển mối tương quan với Chúa Giêsu, trước hết cần phải chủ động trung thành với các việc đạo đức đã được làm quen trong chủng viện (lần chuỗi, viếng Chúa, kiểm tâm, xét mình, nguyện gẫm, nhật ký thiêng liêng, nguyện tắt…), sống kết hợp với Chúa mỗi ngày qua Thánh Lễ, giữ các giờ Kinh Phụng Vụ. Nên soạn một chương trình đạo đức rõ ràng và cố gắng trung thành với chương trình đạo đức này.

Tập thói quen nói chuyện với Chúa về những công việc tông đồ của mình (trong giây phút hiện tại, qua những giờ cầu nguyện, viếng Chúa, nhật ký thiêng liêng và các kỳ tĩnh tâm) và nghe những hướng dẫn của Chúa.

Tham gia tích cực các buổi tĩnh tâm hàng tháng. Đây là dịp gặp gỡ Chúa để được chữa lành qua Bí tích Hòa giải, được nâng đỡ, an ủi, hướng dẫn, đồng thời cũng là dịp nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần, trao đổi kinh nghiệm giữa anh em với nhau về công việc mục vụ.

Tùy vào hoàn cảnh, hãy cố gắng gặp Cha Linh hướng thường xuyên mỗi tháng, nhất là những khi gặp khó khăn.

*Lưu ý:

    – Nên sắp xếp thời gian các giờ đạo đức sao cho phù hợp với hoàn cảnh và công việc trong Giáo Xứ.

    – Trình cho Cha Xứ sớm nhất có thể chương trình đạo đức hằng ngày.

    – Quyết tâm: chuông hai, có giáo dân thì có mặt thầy xứ ở nhà thờ.

III. TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG

1. Tổ chức công việc hằng ngày

Dưới đây xin nêu lên những gợi ý để thực hiện một thời gian biểu hằng ngày hiệu quả.

          – Liệt kê các công việc vào buổi sáng hằng ngày: Liệt kê các công việc cần làm trong ngày ra một tờ giấy hoặc trên máy vi tính.

          – Xác định ưu tiên: Sắp xếp thời gian mỗi ngày để giải quyết các công việc ưu tiên và cũng cần linh hoạt dành đủ thời gian cho những việc bất ngờ. Học cách nói “không” với những việc không phải là ưu tiên. Có 4 loại công việc khác nhau, mức độ ưu tiên giảm dần như sau:

          U1. Công việc quan trọng và khẩn cấp.

          U2. Công việc không quan trọng nhưng khẩn cấp.

          U3. Công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp.

          U4. Công việc không quan trọng và không khẩn cấp.

          – Xác định khoảng thời gian cho các công việc: Theo nghiên cứu, nên trừ khoảng thời gian 20% để dự phòng. Đừng quên những việc nhỏ nhưng tập trung chúng lại. Tách thời gian ra những khoảng nhỏ để tận dụng tối đa.

          – Tập cho mình tính kỷ luật, và thói quen: Thay vì kéo lê cả đống việc, cần xác định hạn chót để hoàn thành từng công việc. Nên giải quyết các công việc khó trước.

          – Tập thói quen chăm chỉ và làm việc có kế hoạch trước.

2. Cách viết một bản kế hoạch

Để lập được một bản kế hoạch chi tiết, cụ thể và khoa học, bạn có thể dùng phương pháp 5W1H bao gồm các yếu tố.

          – Xác định mục tiêu, yêu cầu công việc (Why): Tại sao tôi phải làm công việc này? Nó có ý nghĩa như thế nào với giáo xứ, đoàn thể mà tôi đang cộng tác? Hậu quả thế nào nếu tôi không thực hiện chúng?

          – Xác định nội dung công việc (What): Nội dung công việc đó là gì? Chỉ ra các bước để thực hiện công việc. Bước sau là sự phát triển của bước trước.

          – Xác định không gian thực hiện (Where): Công việc đó thực hiện tại đâu? Thử nghiệm những công đoạn nào?

          – Xác định thời gian (When): Công việc đó thực hiện khi nào? Khi nào bàn giao, khi nào kết thúc?

          – Xác định người thực hiện (Who): Ai làm việc đó? Ai kiểm tra? Ai hỗ trợ? Ai chịu trách nhiệm?

          – Xác định cách thực hiện (How): Cách thức thực hiện công việc như thế nào?

          Trình kế hoạch trên cho Cha Xứ, xin ngài góp ý hoặc chỉ dẫn. Sau đó gặp gỡ và phân công.

          *Lưu ý:

          – Luôn kiểm tra, đôn đốc và theo dõi diễn tiến các công việc đã phân chia.

          – Tinh thần làm việc nghiêm túc, nhưng không quá cứng nhắc.

          – Biết khiêm tốn lắng nghe, nhưng cần tỉnh táo phân định, nên hỏi ý kiến Cha Xứ nếu có thay đổi.

          – Biết nhận lỗi, sửa lỗi rút kinh nghiệm, tránh thái độ “đùn đẩy trách nhiệm”.

3. Làm sao để giữ giờ?

          Ở chủng viện, đặc điểm là giờ giấc và trật tự. Còn ở nhà xứ có lẽ cũng có giờ giấc và trật tự, nhưng không khít khao như ở chủng viện. Tuy nhiên, nhập gia thì tùy tục.

          Để giữ giờ thì phải có thời khóa biểu, nhất là đối với các việc đạo đức và phải cố gắng trung thành. Sau khi được phân công công tác thì phải nhanh chóng làm thời khóa biểu ngay. Điều cần ghi nhớ là công việc ở nhà xứ ít điều hòa và hay bận rộn nhất là trong các dịp lễ. Do đó cũng cần phải uyển chuyển. Tuy nhiên, một số công việc cần phải trung thành như nguyện gẫm (tùy sắp xếp), Thánh Lễ, Viếng Chúa, đọc Kinh Thánh, xưng tội, học riêng… Cố gắng dành một thời giờ nào đó trong ngày để học cái gì đó, để làm việc tri thức. Đứng thức khuya quá, bằng không sẽ khó giữ gìn sức khỏe và chu toàn trách nhiệm. Giữa nhiều công việc, phải biết phân định việc nào chính, việc nào phụ.

IV. SỐNG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

1. Tương quan với Cha Xứ

Năm thử, năm giúp xứ, nhưng cụ thể là “Giúp Cha Xứ”.

*Thái độ trước khi đến:

          – Luôn có tinh thần lạc quan.

          – Ý thức giới hạn và vai trò của mình.

          – Tránh tâm trạng lo sợ, mất tự tin.

          – Loại bỏ thành kiến về một ai đó trước khi đến giúp.

          – “Hãy coi nhà xứ như là nhà và là gia đình của mình để sống tốt các mối tương quan và chu toàn những trách nhiệm như sống trong gia đình”.

          – Đừng làm bất cứ điều gì mà Cha Xứ không biết.

          * Trong thời gian đến giúp

          Ngay ngày thứ nhất đến nhận xứ, tuần thứ nhất và tối đa trong tháng thứ nhất, phải tranh thủ chiếm được tình cảm của Cha. Ngài có ấn tượng tốt thì sẽ nhận định tốt cả năm và ngược lại. Để được như vậy, cần phải:

          – Niềm nở vui vẻ, nhanh nhẹn tế nhị trong lời nói và tiếp xúc.

          – “Học ăn học nói, học gói học mở”: Nhanh mắt quan sát trong, các công việc.

          – Sắp xếp trật tự phòng riêng.

          – Nghiêm túc trong các giờ chung.

          – Nên trình cho Cha Xứ biết chương trình sống.

          – Luôn biết lắng nghe, đối thoại tìm cho đúng “tần số”.

          – Cần quan tâm đến Cha Xứ, qua các ngày như: Bổn mạng, giỗ song thân, ngày thụ phong Linh mục.

          – Cố gắng chu toàn mọi việc được giao, nếu sai sót biết khiêm tốn chấp nhận.

          – Khi bị la rầy vô cớ trước mặt công chúng, cần có sự bình tĩnh đón nhận rồi âm thầm giải thích sau.

          – Khi muốn làm việc gì, cần trình báo cho Cha Xứ biết như: Tổ chức văn nghệ, vui chơi sinh hoạt và một số sinh hoạt riêng tư.

         – Luôn khiêm tốn và chân thành.

* Những điều cần tránh:

         – Không nên lắng nghe những lời chỉ trích, bàn tán của giáo dân về Cha.

         – Không nên đi nói những việc riêng của Cha cho người khác.

         – Tránh theo một phe phái nào.

         – Khi gặp chuyện rắc rối, thầy xứ cần có thái độ bênh vực, thông cảm với cha xứ.

         – Đừng xen vào chuyện riêng tư của Cha.

         – Không nên tò mò chuyện tiền bạc (trừ khi được giao làm quản lý).

         – Một số quà tặng đừng giữ riêng (Ví dụ: đồ ăn, thức uống…) nên đem dùng chung.

2. Tương quan với Cha Phó

Cha Phó là người cộng tác với Cha Xứ. Nếu cha Phó nhờ làm việc gì thì cũng phải trình cho Cha Xứ biết.

Trong trường hợp có sự bất hòa giữa Cha Xứ và Cha Phó, không được đứng về phe nào. Cần thận trọng khi phải đưa ra lời nhận xét.

Tránh nói xấu Cha Sở với Cha Phó và ngược lại.

3. Tương quan với quý sơ

Vì các quý Sơ cũng là những người cộng tác và dưới quyền Cha Xứ nên:

         – Chỉ cộng tác với quý Sơ khi Cha Xứ yêu cầu.

         – Khi cộng tác, cần làm theo những gì Cha Xứ gợi ý, chứ không theo ý quý Sơ.

         – Trong trường hợp không có sự thuận thảo giữa quý Sơ và Cha Xứ, thì cần phải cẩn trọng khi tiếp xúc và cộng tác với quý Sơ.

         – Đừng nói xấu Cha Xứ với quý Sơ và ngược lại.

         – Tuyệt đối không là cà qua nhà các Sơ khi không có việc cần.

         – Tuyệt đối không thường xuyên tiếp xúc với quý Sơ nếu không có việc cần.

         – Cần phải giữ tương quan tốt với quý Sơ trong tinh thần khiêm tốn, hòa đồng, tôn trọng.

         – Đừng chê bai chỉ trích coi thường quý Sơ, đặc biệt các Sơ “xấu” và yếu kém.

4. Tương quan với các hội đoàn

Các hội đoàn (Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, hội các bà mẹ, hội gia trưởng, hội Legio Mariae…) những người cộng tác với Cha Xứ trong những sinh hoạt của Giáo Xứ. Là thầy giúp xứ, cần phải tích cực cộng tác với các vị đó.

Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng, Cha Xứ là người đứng đầu, nên khi được các hội đoàn nhờ làm điều gì, trước khi nhận, phải trình cho Cha Xứ và hỏi ý kiến ngài. Nếu Cha Xứ đồng ý hay góp ý phải làm thế nào, thì làm theo ý ngài. Nếu Cha Xứ nói không nên làm thì không được làm. Bởi lẽ, có những trường hợp Cha Xứ không đồng ý cho họ làm những việc đó nên họ mới “cậy” đến thầy Xứ để chống lại Cha Xứ. Nếu Thầy Xứ không khôn ngoan thì sẽ rơi vào “cái bẫy” của họ.

*Lưu ý:

         – Đừng bao giờ đứng về các hội đoàn để nói xấu Cha Xứ, đừng đứng về phía hội đoàn này để nói xấu hội đoàn kia và cũng đừng bao giờ nói xấu các hội đoàn với Cha Xứ, khi không buộc phải nói!

*Ngoài ra khi cộng tác, cũng cần phải lưu ý:

         – Luôn biết lắng nghe và đối thoại.

         – Luôn ý thức trách nhiệm và chia sẻ công việc cho mọi người cùng làm.

         – Nhạy bén, đáp ứng kịp thời theo khả năng. Tránh tình trạng thái quá hay bất cập: Coi mình là trung tâm, người chỉ huy.

         – Gây bầu khí huynh đệ, tạo tinh thần làm việc chung và nhất là tinh thần đoàn kết trong mọi đoàn thể.

         – Biết nhận lỗi và sửa lỗi.

5. Tương quan với giáo dân

5.1. Với giáo dân nói chung

         – Cần tạo tương quan tốt với mọi người: Sống hài hòa, vui vẻ, khiêm tốn và chân thành với hết mọi người.

         – Đừng bao giờ tự cho mình là “đẳng cấp” hơn giáo dân. Đừng bao giờ chê giáo dân dở, và nhất là không bao giờ được nói xấu họ.

         – Ý tứ trong cách xưng hô. Đừng xưng hô thầy – con với người lớn tuổi hơn, nên xưng hô con/cháu – ông/bà/cô/chú/bác. Với giới trẻ: tôi –  các bạn hoặc em – anh/chị nếu lớn tuổi hơn mình. Với thiếu nhi: thầy – em.

         – Tránh giao tiếp vì lợi ích cá nhân.

         – Năng thăm viếng giáo dân, tìm hiểu, an ủi, khích lệ, thông cảm… để tạo nhịp cầu thân thiết.

*Lưu ý

         – Không nên thường xuyên lui tới với những người được coi là “thân cận” với Cha Xứ.

         – Với những người chống đối Cha Xứ, nên cẩn trọng khi tiếp xúc nói chuyện với họ.

         – Đừng bao giờ mời ai vào phòng riêng để nhậu, ra ngoài nhậu hay rủ người này người nọ vào nhà xứ nhậu khi Cha Xứ vắng nhà.

         – Trường hợp có khách đến thăm, nếu muốn mời khách ở lại dùng cơm thì phải trình cho Cha Xứ trước, sau đó báo cho nhà bếp biết.

         – Không tiếp khách trong phòng riêng (đặc biệt là nữ giới, trẻ em) ban tối. Chỉ tiếp khách ban ngày và ở phòng khách. Nếu tiếp khách trong phòng riêng khi cần thiết phải mở cửa phòng.

         – Khi có ai đó, nhất là nữ giới muốn “tâm sự” và nhờ thầy “tư vấn” về chuyện gia đình hay tình yêu thì không nên nhận, mà phải nói họ đến gặp Cha Xứ.

         – Khi tiếp xúc nói chuyện với giáo dân, nhất là nữ giới, cần phải trong sáng. Tránh nói “một lời hai ý”.

         – Không nên nhắn tin, chat với nữ giới. Chỉ nhắn tin hay gọi điện khi có việc cần, liên quan đến việc chung.

         – Đừng bao giờ nhận ân nhân, bố mẹ nuôi, anh chị nuôi, hay em nuôi.

5.2. Với thiếu nhi

           – Đừng bao giờ nạt nộ thiếu nhi trong khi sinh hoạt, hay khi nhắn nhủ, giảng dạy các em.

           – Đừng bao giờ đánh thiếu nhi, nhất là áp dụng những “hình phạt” quái gở đối với các em. Trường hợp các em “bất trị”, nên gặp riêng để nhắc bảo, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của em đó. Sau cùng, trình cho Cha Xứ biết và gặp gỡ riêng cha mẹ của những em đó để nói cho họ biết. Nhưng phải nhẹ nhàng và tự tôn. Cần phải tạo được thiện cảm đối với cha mẹ của những em đó.

           – Đừng bao giờ ôm ấp, sờ mó hay gặp gỡ các em thiếu nhi trong phòng riêng.

5.3. Với giới trẻ

         – Khi làm việc với giới trẻ cần có chương trình cụ thể đã thông qua Cha Xứ.

         – Cần có những sinh hoạt sôi động, không nên đạo đức thái quá. Tuy nhiên, đừng “đời”, để rồi đánh mất mục tiêu của mình.

         – Tránh những gì giáo điều quá đáng (huấn đức). Những gì muốn nói hãy lồng vào các trò chơi. Cần sống hài hòa với các bạn trẻ.

         – Cẩn trọng trong lời nói, hành động. Tránh đùa giỡn quá đáng, hãy giữ tư cách là một ông thầy.

5.4. Với cô bếp

Một số giáo Xứ được gửi đến sẽ có cô bếp. Cô bếp là người “ở chung” nhà với chúng ta, nên trong mối tương quan cũng cần lưu ý:

         – Chân thành, vui tươi, lễ phép và cộng tác trong những công việc có thể tiếp giúp.

         – Tránh hết sức việc chê công việc nấu ăn hay món ăn cùng các công việc khác trong phạm vi của cô bếp.

         – Quan tâm đến hoàn cảnh để thấu hiểu và cư xử cách tốt đẹp trong cả năm giúp vì cô bếp có ảnh hưởng khá lớn trên cha sở.

         – Tránh thân mật quá đáng, nói xấu cô bếp với người khác hay nói xấu người khác với cô bếp. – Phân minh rõ ràng chuyện tiền bạc với cô bếp.

V. KINH NGHIỆM MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm thử sắp tới, mục vụ giới trẻ luôn là vấn đề được Giáo hội quan tâm. Chính vì thế, dưới đây xin được nêu lên những kinh nghiệm trong mục vụ cho giới trẻ.

1. Đặc điểm giới trẻ

          – Là thành phần sôi nổi trong Giáo Xứ, do đó sinh hoạt họ đạo có “xôm” hay không là tùy giới trẻ có mạnh hay không.

          – Tuổi trẻ “chịu chơi”, giàu tình cảm, nhưng bốc đồng và thiếu chín chắn và còn nhiều tự ái.

          – Tuổi trẻ “bạo phát bạo tàn”: nghĩa là dễ hăng mà cũng chóng “xìu”.

          – Tuổi trẻ thích lý tưởng, thích thần tượng.

          – Tuy nhiên hình như đây cũng là giới khó thành lập nhất và cũng khó sinh hoạt nhất, vì:

          + Nguyên nhân khách quan: Hiện tại, bên ngoài xã hội có nhiều trò giới giải trí hấp dẫn hơn (Cờ bạc, game online…)

          + Nguyên nhân chủ quan: ta không hiểu được “tần số” của tuổi trẻ nên khó có thể đề ra những loại hình sinh hoạt mà giới trẻ thích.

2. Một vài kinh nghiệm

          – Nếu đến một Giáo xứ đã thành lập xong Giới trẻ, ta hãy sinh hoạt theo tổ chức có sẵn của Giáo xứ. Nếu Giáo xứ chưa thành lập giới trẻ:

          + Hãy dựa vào những tổ chức có sẵn như ca đoàn, giáo lý viên, huynh trưởng… để tổ chức.

          + Tổ chức thể thao: sân bóng, đội bóng.

          + Tổ chức lớp học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ lời Chúa.

          Muốn thành công trong mục vụ giới trẻ, cần lưu ý đến đặc tính của tuổi trẻ.

          – Tuổi trẻ “chịu chơi”: Thầy phải tỏ ra nhiệt tình với họ, không làm kiểu làm cao, không xa cách, hòa mình với họ, đừng quá nghiêm, nên biết hài hước một chút. Tuy nhiên “hòa mình” không phải là “hạ mình”: Thầy phải có cái gì đó tốt hơn, khác hơn và cao hơn họ thì mới có uy tín với họ.

          – Tuổi trẻ “bạo phát bạo tàn”: nghĩa là dễ hăng mà cũng chóng “xìu”.

          + Do đó cần phải kiên trì trong những chương trình dài hạn đã đề ra.

          + Phải luôn có sáng kiến mới để làm cho sinh hoạt “cũ” được sinh động lại.

          – Tuổi trẻ thích lý tưởng, thích thần tượng:

          + Phải có nhiều cách để động viên, khen thưởng, kích thích.

          + Đừng làm gì sai quấy khiến mình trở thành “thần tượng bị sụp đổ”, như chuyện tình cảm, tiền bạc, thiên vị,…

          + Tuổi trẻ giàu tình cảm: Đây là giới bị tình cảm tác động nhiều.

          + Phải tỏ ra yêu thương họ và cho họ biết học được mình yêu thương thì họ mới yêu thương mình lại và mới nhiệt tình làm việc.

          + Nhưng cũng phải khéo léo đừng để bị sa lầy vì tình cảm của họ. Do đó, hãy gần gũi thanh niên nhiều hơn thiếu nữ; Không tiếp xúc riêng với thiếu nữ.

          – “Trẻ người non dạ”: Tuổi trẻ không còn là con nít nhưng chưa là người lớn. Do đó còn nhiều điều không biết, còn sai sót lỗi lầm.

          + Khi họ sai, Thầy phải thông cảm, sửa dạy thêm chứ không nên la mắng. Nên khuyến khích họ sửa sai.

          + Khi giao việc, đừng khoán trắng buông xuôi. Hãy theo dõi (cách tế nhị) để hỗ trợ kịp lúc.

          – Tuổi trẻ nhiều tự ái:

          + Tránh phê bình, la mắng họ trước mặt người khác.

          + Chú ý khen thưởng.

          + Có thể áp dục phương pháp “đồng hành” ở Chủng viện để góp ý cho những ai sai lầm mà tự nhận được cái sai của mình và tự sửa chữa.

3. Những việc nên làm

          – Đạo đức: Lần chuỗi, nguyện gẫm, viếng Chúa, nên làm một cách công khai, để tạo ấn tượng tốt cho giới trẻ.

          – Hòa mình nhưng không đánh mất chính mình.

          – Đến với người khác bằng con tim mục tử (cảm thông, chia sẻ…)

          – Không thiên vị trong: tặng quà, thăm viếng, nhờ việc.

          – Có tinh thần hài hước nhưng không lố bịch.

          – Nắm “tần số” của giới trẻ để dễ đi vào sinh hoạt.

          – Tránh tương giao với nữ giới trong phòng riêng.

Phương ngôn: “Trước nhiều người đàn ông thì nghiêm nghị đứng đắn, trước một  người đàn ông thì thân thiện. Trước nhiều người nữ thì vui vẻ, trước một người nữ thì phải thận trọng.”

4. Cách quy tụ giới trẻ và tạo mối tương quan tốt

          – Xin ý kiến cha sở (dự định trước và hỏi Ngài) công việc đó giao cho ai? Để có thể hiểu và giao việc phù hợp.

          – Tùy hoàn cảnh có thể tổ chức giao lưu, chơi thể thao, dạy nghề… kết hợp với mục đích mình muốn: giáo dục, thiêng liêng, tinh thần.

          – Tạo cơ hội cho giới trẻ cùng cộng tác trong các hoạt động: xem xét khả năng, giao việc… (tạo nề nếp cho giáo xứ sau này).

          – Được người hơn được việc.          

          – Quan tâm giúp đỡ, không phân biệt đối xử.

(Trích cẩm nang mục vụ năm thử)

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *