Hôm nay, ngày tổng kết năm học 2012-1013, các thầy khóa 11 dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước khi ra về, các thầy khóa 12 thu dọn đồ dùng để chuẩn bị cho năm giúp xứ, các ban ngành thống kê tài sản để bàn giao cho nhà trường,.. công việc thật bề bộn nhưng ai nấy như ló rạng niềm vui và có phần nhẹ nhõm vì những ngày thi cử căng thẳng đã qua.

Giờ đi dạo sau cơm tối, tôi thả hồn theo làn gió tây khô nóng và tiếng ve kêu râm ran để dạo bước dưới ánh điện lấp ló chiếu qua hàng cây sao nhỏ. Bất ngờ, một thầy khóa 12 cùng tổ phụng vụ với tôi từ đằng sau tiến tới, vỗ nhẹ vào vai tôi rồi nói nhỏ: Này bác, bác đã từng đi giúp xứ, nhờ bác chia sẻ cho chú vài kinh nghiệm với. Chú lo lắm, vì thấy mình tài hèn trí mọn, sợ không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu của giáo xứ mà chú được sai đến. Tôi trả lời: chú yên tâm, đừng quá lo lắng mà sinh bệnh, vì việc thực tập mục vụ trước hết không phải mình đi giúp xứ cho bằng để được cha xứ và giáo xứ giúp mình. Thế rồi cả hai chúng tôi dạo bước dọc theo khuôn viên nhà trường,.. Tôi tâm sự:

Chú ạ! Trong cuốn “Đào Tạo Linh Mục, định hướng và chỉ dẫn” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam soạn thảo đã dành 29 số (từ số 339 đến 358) để nói về chương trình, định hướng, mục đích và tiêu chuẩn để lượng giá năm thực tập mục vụ của người chủng sinh, nên bác không bàn đến vấn đề sách lược mà chỉ chia sẻ với chú một chút kinh nghiệm sống tại giáo xứ mà bác từng được gửi đến thôi nha.

Bác biết tâm lý của không ít chủng sinh trước khi đi thực tập mục vụ cũng giống như chú bây giờ, khi biết tin mình được sai đến giúp một giáo xứ khá thuận lợi, có bề dày lịch sử, có ban ngành đầy đủ, điều kiện đi lại dễ dàng, cha xứ trẻ trung, năng động và vui tính… thì trong lòng hớn hở vui mừng. Trái lại, cũng có một số thầy khi nghe tin mình đi giúp một xứ đạo xa xôi hẻo lánh tận miền sơn cước Nghệ An, Hà Tĩnh hay heo hút trời mây Quảng Bình, một xứ đạo sống trà trộn với lương dân, cách sống của cha xứ lại có phần nghiêm túc và tỏ ra khó tính,.. thì sinh lòng lo sợ! Trong đó, không ít thầy có chút thoang thoảng buồn chán vì nghĩ rằng, sao mình đen thế, số mình phải đi đày viễn xứ rồi sao??? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra làm đầu óc rối tung rồi đâm ra phàn nàn trách mình, trách số phận! Riêng với chú, cứ yên tâm. Bề Trên sai đi đâu, chú cứ đi; Bề Trên bảo làm gì, chú cứ làm, không chết đâu mà sợ, ơn Chúa đủ cho chú. Khả năng chỉ là thứ yếu so với tình yêu và tinh thần nhiệt huyết tông đồ của mình.

Riêng bác, khi được Bề Trên địa phận sai về giáo xứ Phù Kinh, một xứ đạo có bề dày lịch sử 115 năm, được thành lập năm 1897, gồm 8 giáo họ, năm 1933 có hơn 3500 giáo dân, địa bàn trải rộng trên 3 xã, thuộc 2 huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Tuy nhiên, từ năm 1956 do biến động chính trị xã hội, giáo xứ không có linh mục coi sóc nên 3/4 giáo dân bỏ đạo; các nhà thờ và nhà xứ bị phá hủy hoàn toàn, 6 giáo họ không có đất, không có nhà thờ để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện, hàng tuần cha xứ đến dâng thánh lễ tại nhà dân cho các giáo họ, mọi hoạt động tôn giáo hầu như bị tê liệt, bao quanh nhà thờ xứ toàn là lương dân sinh sống.  

Khi nghe tin về giáo xứ Phù Kinh, bác vừa mừng vừa lo. Mừng vì biết đâu tại xứ đạo tái truyền giáo này, bác sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm mục vụ mà những xứ khác không thể nào có được; lo vì mình chưa đủ khả năng và khôn ngoan khi sống với một cộng đoàn xa lạ và đầy sự quấy nhiễu thử thách. Nhưng rồi mọi việc cũng qua đi tốt đẹp. Chúa sẽ lo liệu tất cả, nếu mình biết phó thác mọi sự trong bàn tay từ ái của Ngài.

Vừa nhận được tin đi giúp xứ Phù Kinh, bác liền lấy lịch phụng vụ giáo phận, tìm số điện thoại gọi đến chào thăm cha xứ, rồi hỏi ngài vài nét về hiện tình và nhu cầu của giáo xứ để bác có sự chuẩn bị sớm, rồi khi ra Tòa Giám Mục nhận bằng sai, thiếu gì bác có thể mua luôn, kẻo ở nơi xứ đạo xa xôi hẻo lánh, bác không biết kiếm đâu ra những thứ cần dùng cho việc mục vụ. Bác chuẩn bị thế này nha:

Đến nhà sách các xơ, bác mua một bộ sách giáo lý từ lớp “Đồng Cỏ Non” đến lớp “Giáo Lý Hôn Nhân”, cả sách học sinh lẫn sách giáo lý viên, phòng khi cha xứ nhờ dạy giáo lý bất kỳ lớp nào hay ra đề thi giáo lý thì có sẳn để dùng ngay; Bác mua một cuốn sách “Nghi Thức Làm Phép Hôn Phối” của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ấn hành, bìa xanh, khổ lớn, để tập cho các đôi hôn nhân trước khi làm phép Hôn phối; Mua một cuốn sách “Cẩm Nang Các Nghi Thức Bí Tích và Á Bí Tích” của linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ thu thập và biên soạn, để tập cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, chịu phép Thêm Sức trẻ em và người lớn, đặc biệt là dùng khi đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân…Mua một cuốn sách “Viếng Xác và Cầu Hồn”, trong đó có nhiều bài hát, lời Chúa và suy niệm để dùng khi có người trong xứ qua đời; Mua một cuốn “Sách Lễ Giáo Dân”, một cuốn “Lời Chúa Trong Thánh Lễ”; Một cuốn “Lời Nguyện Tín Hữu”. Một bộ “Sách Hát Cộng Đồng” để xem trước các bài sách thánh, các bài hát, phòng khi cha xứ đến dâng lễ tại những giáo họ chưa có sách; Mua một cuốn “Lịch Phụng vụ giáo phận Vinh” để xem trước các ngày lễ, đồng thời xem Thánh vịnh hàng tuần mà đọc kinh Phụng vụ; Mua một bộ “Sinh Hoạt Giới Trẻ”, gồm bài hát, Băng reo để sinh hoạt, nhất là tập cho nhóm “Linh hoạt viên nhí” của giáo xứ có được sự trưởng thành và tự tin trước đám đông,.. Bác mua rồi đọc một bộ sách Truyện tiếu lâm và Truyện cổ tích để kể cho giới trẻ, nếu đọc thêm chuyện ngụ ngôn hay chuyện các thánh nữa thì càng tốt cho các giờ giáo lý. Vì thế, dẫu không biết một nốt nhạc nào nhưng bác vẫn thuộc một số bài hát sinh hoạt, tập cho mình một số trò chơi, nhớ một số câu chuyện, để khi được giới thiệu là có sẵn trong đầu để thực hiện ngay, nếu không có nó, sẽ mất thời gian suy nghĩ, tạo cho mình nhút nhát và rụt rè, thiếu năng động, khiến cuộc vui có phần tẻ nhạt và bầu khí ra vẻ trầm lắng. Bác không quên đem theo một Máy vi tính, một Máy in đã đổ đầy mực, một ghim bấm giấy để dùng khi cần thiết; Mua một chiếc đền pin phòng khi trời tối mất điện,…Cũng cần mang theo một cuốn Kinh Thánh trọn bộ và một chuỗi hạt.

Bác soạn một số bộ Lời nguyện Tín hữu cho các ngày lễ trọng, lễ tết, lễ quan thầy cha xứ, quan thầy giáo xứ và các giáo họ, quan thầy giáo lý viên và các hội đoàn… Đồng thời bác cũng soạn một số bài cám ơn cho các dịp lễ quan trọng của giáo xứ, như dịp xưng tội rước lễ lần đầu, dịp lễ Thêm sức, lễ quan thầy, lễ cưới,.. Bác in ra rồi để yên đó, đề phòng khi đến giờ lễ mà người ta cần đến thì bác đã có sẵn để ứng phó ngay. Có khi người ta quên hay chưa biết cách thức thì bác gợi ý trước cho họ, chẳng hạn bác hỏi: đã có lời nguyện chưa, đã có bài cám ơn chưa? Qua đó bác biết công việc mà trù liệu, lưu ý là không phải bác xin việc của họ đâu nha.

Bác sưu tầm và soạn các mẫu giờ Chầu Thánh Thể như chầu lượt, chầu tạ ơn cuối năm, chầu tối Thứ 5 Tuần Thánh, giờ chầu giới trẻ, các hội đoàn, các giáo họ; soạn các giờ cầu nguyện chung cũng như cho riêng từng giới,.. Vì bác nghĩ rằng, mình lấy nguyên bản trong sách hoặc trên mạng thì khó phù hợp với tâm tình và hoàn cảnh của giáo xứ, nên khi đọc lên nghe cảm thấy nó lạc lõng làm sao! Tốt nhất là mình lấy cảm hứng và tâm tình từ hiện tình giáo xứ mà viết. Khi đọc lên, người ta sẽ chăm chú lắng nghe ý nghĩa và gây được sự chú ý, làm đánh động phần nào hiện thực cuộc sống.

Khi đến nhận xứ, nên có người thân đi theo, tốt nhất là ông bà cha mẹ, anh chị em hay cậu cô chú bác, cần có người lớn tuổi để thưa chuyện cho lịch sự và trang trọng. Nếu có vị đại diện Hội đồng Mục vụ đi theo để có lời gửi gắm mình cho cha xứ và giáo xứ thì càng tốt. Và bác đã làm như thế.

Khi đến sống một môi trường lạ, ngôn ngữ, phong tục tập quán và lối sống có phần khác biệt quê mình, bác phải tập làm quen, sống hòa đồng, hòa nhã và thân thiện với mọi người. Khi có khách đến thăm nhà xứ và thăm phòng thầy xứ, trên cửa bác miệng luôn nở nụ cười đón tiếp nồng hậu kèm theo lời “xin chào” và “cám ơn”. 

Nơi xứ bác đến ở, không có người nấu cơm, nên điều gì chưa biết thì bác hỏi cha xứ trước để được ngài hướng dẫn, từ nơi ăn chốn ở đến chổ vệ sinh; từ bếp núc đến nơi tiếp khách; từ nồi niêu đến bát đũa; từ khẩu vị đến cách thức ăn uống để chế biến cho phù hợp. Có như vậy mới không làm phật lòng cha xứ.

Khi đi đâu bác đều xin phép cha xứ, khi về thì gõ cửa phòng ngài rồi chào ngay. Nếu vì công việc kéo dài mà về muộn thì bác trình bày lý do cho cha biết tại sao phải về muộn, có khi sắp đến giờ cơm mà bác chưa về kịp, bác liền gọi điện cho ngài, để ngài dùng cơm trước kẻo ngài phải chờ đợi bác lâu. Điều lưu ý nữa là khi mình xin đi đâu, ngài thấy lý do không chính đáng hay muốn mình ở nhà để làm việc khác, nhưng lại không muốn phật ý mình, vì thế nếu thấy ngài trả lời “tùy thầy” rồi lặng lẽ vào phòng thì bác liền cân nhắc ý của ngài nói. Lúc ấy theo bác, nên ở nhà là tốt hơn. Đặc biệt, không nên tùy tiện đi ra ngoài nhà xứ, nhất là vào ban đêm kẻo cha xứ lo lắng vì không biết thầy đi đâu mà không thấy nói năng gì cả!

Khi cha xứ đi vắng, ngài giao chìa khóa cho mình thì phải cất giữ cẩn thận, tránh để các chú tùy tiện lấy chìa khóa để mở phòng riêng của cha, lỡ mất mát thứ gì thì sinh ra nghi ngờ lẫn nhau. Nếu cha có giao việc gì, bác cố gắng hết mức có thể để hoàn thành trước khi ngài về. Khi biết khi ngày giờ ngài đi công tác sắp về, bác liền quét dọn bếp núc, lau chùi nhà cửa bằng nước thơm, rửa ấm chén, sắp xếp bàn ghế ngăn nắp. Khi cha về, thấy nhà của gọn gàng, phòng ốc thơm nức mùi hương thì ngài rất lấy làm hài lòng.

Khi có dịp đi xa như tĩnh tâm tại giáo phận, đi sắm đồ ở thành phố, về quê thăm nhà,.. bác không quên mua một ít quà nhỏ như gói kẹo, hộp bánh về cho cha, cho các chú, các ban ngành, để người ta biết là dầu đi đâu mình cũng quan tâm và luôn nhớ đến cha xứ cùng giáo xứ. Cần lưu ý khi chia quà, mình phải chia cho đều, đừng ban này có mà ngành khác không, như thế sẽ dễ làm người ta sinh lòng nghi kỵ là mình quên họ, coi người này hơn người kia, dẫu rằng họ không muốn nói điều đó ra.

Trong nhà thờ, bác quét dọn thường xuyên, nhất là phần cung thánh và phòng thánh. Các đồ dùng phụng vụ bác luôn lau chùi, giặt giũ sạch sẽ các vật dụng như khăn bàn thờ, khăn thánh,.. Trước thánh lễ hay giờ kinh nguyện, bác vào nhà thờ sớm hơn một chút trước giờ nguyện kinh, dâng một lời nguyện tắt, rồi vào phòng thánh dọn sách lễ, soạn áo lễ, chuẩn bị các đồ phụng vụ, thử âm thanh,.. Sau lễ, nếu không có việc gì cần kíp phải về phòng, bác ở lại nhà thờ dọn dẹp đồ lễ, rồi nắn lại ít phút cầu nguyện cho mình và cho giáo xứ, dâng lời tạ ơn Chúa. Bác chờ khi cha xứ ra khỏi nhà thờ, bác mới đi theo sau để khóa cửa. Theo bác, không nên vào phòng quá sớm khi mà cha xứ đang cầu nguyện tại nhà thờ, vì làm như vậy cha xứ sẽ cho rằng thầy xứ nhà mình là người hơi khô khan nguội lạnh.

 Sự hiện diện và quan tâm của mình đối với nhà thờ và các giờ kinh lễ có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với cộng đoàn. Bác tin rằng cha xứ sẽ rất hãnh diện vì có được thầy xứ đạo đức, bởi việc đạo đức của mình làm chắc chắn không một cha nào có thể chê trách được. Vì thế, nếu quá lo lắng việc bên ngoài mà coi nhẹ việc đạo đức thì thật là nguy hiểm cho mình và sinh gương xấu cho cộng đoàn.

Các buổi sáng, bác thường dậy sớm hơn cha ít phút để bật đèn, đánh chuông báo giờ lễ, mở cửa nhà thờ, mở cổng nhà xứ,..  Có vài lần, vì tuổi trẻ ham ăn mê ngủ, trời lạnh chăn ấm nên cha xứ dậy trước, ngài đi đánh chuông rồi đến gõ cửa phòng bác và gọi: “Thầy ơi, thầy mệt hả! Dậy chuẩn bị đi lễ thầy nha, nhớ khóa cửa nhà xứ dùm cha với”. Bác vùng dậy khỏi giường, rửa mặt vội vàng rồi vừa chạy vừa mang áo chùng thâm ra nhà thờ, cộng đoàn đã làm việc kính Đức Mẹ. Bác thấy mình hổ thẹn vì thói mê ngủ. Vì thế, khi chú đi giúp xứ cũng cần có đồng hồ báo thức để thức dậy đúng giờ, tốt nhất là nên dậy sớm vài phút trước giờ đánh chuông, đừng để cha xứ gõ cửa gọi dậy đi lễ như bác từng mắc phải thì xấu hổ lắm. Nếu mình được cha xứ gọi mình đi lễ cũng là điều may mắn, bằng không ngài cứ để cho thầy xứ tự do mà ngủ, lúc nào muốn dậy tùy ý thì nguy hại vô cùng cho mình! Chắc chắn, cha xứ sẽ không tiếc lời phê bình thầy xứ thiếu trưởng thành trong việc tổ chức đời sống tự lập, dẫu ngài không muốn nói thẳng ra cho mình biết.

Bác cũng luôn cẩn trọng trong việc quan sát để biết tính tình cha xứ, nhu cầu và sở thích của giáo dân, chương trình cho tuần tới, tháng tới có lễ gì sự kiện gì quan trọng đối với giáo xứ không, để mình chủ động làm việc. Đặc biệt, cần hỏi cha xứ trước khi làm việc chung chứ không nên tùy tiện làm theo ý riêng mình. Chẳng hạn như trang trí Tuần chầu lượt, làm hang đá Lễ Giáng sinh, làm sân khấu canh thức,… Sau khi bác đã dự định băng rôn nào treo ở đâu, câu gì, cỡ chữ, font chữ, màu chữ, màu nền, mẫu hình hang đá, logo, cổng chào,… bác đều trình cho cha, một khi ngài đã đồng ý thì bác cứ thế mà làm. Theo kinh nghiệm của bác: Ngài bảo gì thì hãy làm theo! Bác tập cho mình đức tính vâng lời một cách mau mắn, chứ không nên vâng lời bề ngoài mà trong lòng buồn giận. Có như vậy, mọi việc mới suôn sẽ, cha con đều mãn nguyện. 

À! Có việc này nữa, chú nên nói cho cha xứ biết mình chưa lãnh nhận tác vụ đọc sách và giúp lễ để được ngài ban phép thừa tác viên ngoại thường. Có một điều theo bác là tối kỵ, đó là tranh cãi với cha xứ, nhất là về vấn đề phụng vụ. Mình học trên sách thì khác, ở xứ thì mỗi cha làm mỗi kiểu, đặc biệt là nghi thức Tuần thánh. Nếu mình biết ngài làm sai với sách hướng dẫn thì cũng nên thinh lặng hay góp ý một cách tế nhị sau đó, bằng không cha sẽ choảng cho một câu “thầy muốn dạy tôi hay sao” thì có mà chết! Một vài anh em đã mắc phải chuyện đó rồi chú ạ.

Mình cần có tính hòa đồng trong mức độ có thể. Bác thấy rằng, trong nhà xứ hay ở các giáo họ thường tổ chức những tiệc vui, như kết thúc tuần chầu lượt, liên hoan lễ quan thầy,.. một khi đã đến mức cao trào vì đã có chút men kích thích, ai cũng muốn nói to, hát hò, có khi cha xứ nghỉ rồi mà người ta vẫn cứ vui chơi, vì ngài cũng tế nhị mà nói rằng: “mọi người cứ tự nhiên vui vẻ nhé, cha đi nghỉ trước đây”, thì mình cũng tính chuyện rút lui khỏi cuộc chơi kẻo cha xứ đánh giá là mình thiếu tiết độ.

Mình phải cần ăn mặc đứng đắn và gọn gàng trong nhà xứ cũng như đi ra ngoài, bởi trước mắt mọi người, mình là một chủng sinh, phải giữ đúng nề nếp và tư cách. Riêng với cha xứ mà bác đến giúp thì ngài rất nghiêm túc trong vấn đề này lắm. Ở nhà cũng phải mặc quần dài, đi lễ phải đeo giầy, tiếp khách phải mang áo có cổ,.. Đi lại trong nhà phải nhẹ nhàng, không kéo lê dép lẹp xẹp mở đóng cửa ít gây tiếng động, gõ cửa phải từ tốn như sách nhân bản đã dạy. Khi mình gọi điện thoại cho ai thì cần nói nhỏ tiếng, nhất là vào ban đêm, tránh gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu mình thích nghe nhạc, nghe đài hay xem phim thì nên mở âm lượng vừa đủ nghe trong phòng riêng thôi. Cũng nên hạn chế xem phim, nhất là phim nhiều tập sẽ làm mất thời giờ cho việc khác.

Có điều tế nhị nữa là mình không nên than thở vì cha xứ quá nghiêm túc. Bác nghĩ rằng, gặp một cha xứ nghiêm túc và đạo đức đó là mẫu gương sống động cho mình noi theo. Cha xứ nghiêm với mình phần lớn không phải vì ngài ghét hay coi thường mình đâu, trái lại, vì muốn giúp mình tập làm người trưởng thành và đứng đắn trong công việc sau này. Vì thế, theo bác, không nên nói chuyện khó tính hay điều gì trái của cha xứ với người ngoài, ngoại trừ chia sẻ một vài điều với cha linh hướng hay cha đặc trách về hiện tình cuộc sống của mình mà thôi. 

Một vài thầy xứ cũng mắc phải vấn đề tiền bạc, có những lúc đi mua sắm hay đi công việc chung mà không thấy cha xứ trả tiền. Theo bác, vấn đề kinh tế cần sòng phẳng, bác mua gì cho việc chung thì xin họ biên lai hay giấy thanh toán, khi xong việc, bác đưa cho cha, thế nào cha cũng trả lại đầy đủ, có khi cho thêm tiền xăng và tiền ăn uống dọc đường cho bác nữa. Cha không bao giờ để mình phải chịu thiệt thòi đâu. Nếu đi công việc chung mà cần nhiều tiền, trong khi mình chưa có đủ thì cứ chân thành nói với ngài: “thưa cha, con hết tiền rồi, xin cha cho con tiền để con đi…” Chắc chắn ngài sẽ mở hòm lấy tiền đưa cho mình tức khắc.

Mình cũng nên khiêm nhường nhận thấy rằng, sức lực và khả năng con người có hạn, vì thế, khi có việc gì cần, bác thường trao đổi với anh em để nhờ anh em giúp đỡ, như tổ chức hội trại, giao lưu học sinh sinh viên, chia sẻ cho các hội đoàn, dẫn chương trình canh thức,.. Những anh em nào có khả năng thì mình có thể nhờ giúp đỡ, hy vọng họ sẽ không chối từ khi làm việc tốt đâu.

Trong các ngày nghỉ lễ hoặc những lúc rãnh rỗi, bác thường xin cha xứ để đi thăm một số gia đình giáo dân, trước hết là Hội đồng Mục vụ xứ và các giáo họ, những gia đình ở gần nhà thờ, những người tích cực tham gia công việc chung, những gia đình nghèo khổ, bệnh tật, tai ương hoạn nạn,.. Khi cha xứ đi làm phúc tại các giáo họ, bác thường xin cha xứ để đến thăm từng gia đình, chia sẻ về cuộc sống của họ. Điều này tạo sự động viên khích lệ rất lớn cho các gia đình khi được mình đến thăm. 

Cần tạo mối thân thiện với anh chị em lương dân, điều này bác đã làm và đem lại nhiều kết quả khả quan. Chẳng hạn, thấy hòn đá lớn chặn giữa đường, bác lăn sang một bên; thấy trời mưa, bác chạy ra vác lúa với họ; thấy xe cộ họ bị sụp lầy, bác đến giúp họ một tay; đi qua nhà họ, bác hỏi thăm sức khỏe,.. Đặc biệt khi họ có người thân qua đời, bác xin phép cha xứ đến với gia đình họ để thành kính chia buồn, thắp một nén nhang, dâng lên một lời cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ thanh thản nơi suối vàng, và xin người quá cố phù hộ độ trì cho gia đình cùng quê hương xứ sở được bình an,… Thấy việc làm của bác, nhiều người lương dân lấy làm cảm động lắm. Từ những nghĩa cử đó, nhiều người lương dân trong xứ rất mến bác. Khi có nãi chuối, quả ổi,.. trong vườn họ cũng không tiếc hái đem đến cho bác.

Bác cũng tạo một số bất ngờ nho nhỏ cho cha xứ, như mua một gói quà rồi gọi các chú đến phòng riêng của cha để chúc mừng sinh nhật; mua một bó hoa để chúc mừng lễ quan thầy của ngài, khiến ngài rất thích thú và cảm động! Qua đó, nó tạo được bầu khí hài hòa và thân thiện giữa cha con trong gia đình nhà xứ. 

Lại nữa, vào dip tết, gia đình và người thân của bác đến thăm và chúc mừng cha xứ cũng như giáo xứ, điều này tạo nên mối thịnh tình mặn nồng thắm thiết giữa gia đình, cha xứ và cộng đoàn giáo xứ.

Ồ! Sắp đến giờ kinh tối rồi mà chuyện còn dài,…

Chú ạ! Thế này nha, trước khi đi giúp xứ, bác luôn tâm niệm rằng, giáo xứ mình được sai đến là ‘Đại chủng viện thứ hai’, vị giám đốc Đại chủng viện ấy là cha xứ, Hội Đồng Mục vụ và các ban ngành trong xứ là ban đào tạo, giáo xứ là đại gia đình như khi mình ở chủng viện vậy. 

Qua năm giúp xứ, bác đã trưởng thành nhiều hơn nhờ học được từ cha xứ và bà con lương giáo. Bài học lớn nhất mà bác có được từ năm giúp xứ là đức tin kiên vững của người giáo dân Phù kinh. Một xứ đạo 57 năm không có cha quản xứ, nhiều người lạc xa đàng rỗi, cơ sở thờ tự mất mát gần hết, nhưng ‘số sót còn lại’ vẫn còn bám trụ trước những thử thách và thăng trầm của lịch sử. Đọc lại lịch sử Thánh ta thấy, dân Chúa xưa cũng chịu thử thách về đức tin, nhiều người đã bỏ cuộc, chỉ số sót ấy đã làm cho dân Chúa được hồi sinh, xây dựng lại đền thờ và đón nhận lời hứa cứu độ. 

Bác cầu chúc chú một mùa hè vui tươi, một năm thực tập mục vụ thu hái được nhiều hoa trái tốt lành, học được nhiều điều bổ ích và làm hành trang cho lý tưởng phục vụ sau này. Chú cứ yên tâm, giáo xứ sẽ giúp chú hơn là chú giúp giáo xứ. Qua các việc làm và lòng nhiệt huyết tông đồ của chú, vị giám đốc thứ hai của Đại chủng viện sẽ phê chuẩn cho chú là một thầy xứ tốt lành khi chú mãn hạn. 

Chào chú nha!

Giuse Nguyễn Văn Thiện, K.11

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 02

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *