1. BÃO THỔI – BÃO THỔI
Thể loại: Phản xạ thuận, dành cho 30 người mọi lứa tuổi tham dự trong phòng, hoặc đông hơn khi tổ chức ngoài trời.
Rèn luyện: Sự nhanh nhẹn, phản xạ nhạy bén.
Giáo dục: Ý thức bản thân giống và khác mọi người ở điểm nào.
Luật chơi: Quản trò hô to: “Bão thổi, bão thổi”, mọi người hỏi lại: “Thổi ai ? Thổi ai ?” Quản trò bảo: “Thổi những ai đeo đồng hô !” Những ai có đeo đồng hồ đều phải chạy đổi chỗ cho nhau trong vòng tròn. Ai chậm chân nhất sẽ phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển.
Mục đích: Xáo trộn vị trí mọi người trong vòng tròn, tránh co cụm.
Vật dụng: Còi thổi để gây sự chú ý trước khi hô.
Lưu ý: Câu hô “bão thổi, bão thổi” có thể thay bằng các câu khác như: “Kiến cắn, kiến cắn”, “Điện giựt, điện giựt”…
2. TỰ HỌA CHÂN DUNG
Thể loại: Phản xạ thuận, trong phòng hay ngoài trời, cho 30 tới 60 người tham dự.
Rèn luyện: Sự nhanh nhạy, nhịp nhàng, chính xác.
Giáo dục: Tính hòa đồng, cởi mở trong tập thể.
Luật chơi: Quản trò bắt bài hát chỉ có ba chữ “Trán-cằm-tai” theo điệu nhạc phần đầu của bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, mọi người hát theo, tay chỉ đúng vào vào trán, vào cằm hay vào tai của mình khớp với lời đang hát. Tốc độ hát ngày một tăng.
Mục đích: Gây bầu khí vui nhộn, sảng khoái.
03. TÔI BẢO THÌ LÀM
Thể loại: Phản xạ thuận, trong phòng hay ngoài trời, cho 30 tới 60 người mọi lứa tuổi tham dự.
Rèn luyện: Sự tập trung chú ý, phản xạ nhanh và phản xạ đúng theo thính giác.
Giáo dục: Vâng lời một cách sáng suốt, không dễ dàng tin một cách mù quáng.
Luật chơi: Quản trò hô: “Tôi bảo đứng !” Mọi người phải đứng. Quản trò bất ngờ không nói “Tôi bảo” mà chỉ hô: “Ngồi xuống !”, những ai lỡ ngồi xuống thì sẽ bị phạt sau khi trò chơi đã kết thúc. Cứ thế quản trò cứ đổi hành động và khẩu lệnh ngày một nhanh cho đến khi có được khoảng 10 bị phạt thì chuyển sang trò chơi phạt.
Mục đích: Gây bầu khí vui nhộn.
4. ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT
Thể loại: Phản xạ nghịch, trong phòng hay ngoài trời, cho 15 tới 30 người độ tuổi thiếu niên trở lên có thể tham dự.
Rèn luyện: Phản ứng nhạy bén và chính xác.
Giáo dục: Cần phán đoán, nhận định đúng đắn trước mọi sự.
Luật chơi: Quản trò đứng trước một người nào đó trong vòng tròn, chỉ vào tai anh ta và nói: “Đây là cái mũi của tôi”, người kia phải chỉ mũi của mình và nói: “Đây là cái tai của tôi”. Ai nói hoặc làm sai thì phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển trò chơi hoặc bị phạt.
Mục đích: Gây bầu khí vui nhộn.
Lưu ý: Có thể nâng thêm mức độ khó: Quản trò chỉ vào đầu mình và nói: “Đây là cái lưng của các bạn”, mọi người phải tự vỗ vào lưng mà nói: “Đây là cái vai của anh”…
05. THẦY BÓI ĐOÁN MÒ
Thể loại: Trò chơi lý luận, trong phòng hay ngoài trời, cho khoảng 30 người độ tuổi thiếu niên trở lên tham dự.
Rèn luyện: Óc lý luận, loại suy để phán đoán đúng đắn.
Giáo dục: Tinh thần khao khát khám phá những giá trị lành mạnh.
Luật chơi: Với một món đồ gói kín, được hỏi 3 câu hoặc hơn, quản trò chỉ trả lời: đúng hay sai, có hay không. Đến câu cuối cùng ai đoán được đúng đó là món đồ gì sẽ là người đoạt giải, thường là chính món đồ bí mật ấy.
Mục đích: Gây bầu khí sinh động, thư giãn sau một trò chơi mạnh.
Vật dụng: Một món quà nhỏ, vui, có ý nghĩa, được gói lại và ngụy trang khéo léo, gây tò mò cho tập thể.
06. MƯA RƠI
Số lượng người chơi: Không giới hạn người chơi.
Cách chơi:
Người chơi ngồi tại chỗ hoặc vòng tròn. Quản trò giơ tay lên cao và nói “Mưa rơi mưa rơi”. Quản trò đưa tay càng cao thì người chơi vỗ tay càng lớn. Quản trò đưa tay thấp xuống thì người chơi vỗ tay càng nhỏ. Quản trò phải nhanh nhẹn đưa tay lên xuống liên tục. Trò chơi không có phạt.
07. BÀ BA ĐI CHỢ
Số lượng: ít nhất 2 đội tham gia – mỗi đội từ 4 -> 10 người.
Cách chơi:
Quản trò quy định về luật chơi ban đầu: tìm trái cây, thức ăn, vật dụng … theo một chữ nhất định nào đó. Hai đội vào vị trí riêng biệt của mình, giấy viết đặt phía trước mỗi đội cách xa 2 -> 4m. Khi nghe hiệu lệnh thứ tự từng người (của mỗi đội) lên ghi những trái cây có chữ “N” đứng đầu vào giấy, sau 30 giây đến 1 phút trọng tài ra hiệu lệnh cho những người thứ nhất về cho những người thứ hai lên … Sau cùng thời gian đội nào ghi được nhiều nhất đội đó thắng.
Trò chơi có thể thay đổi nhiều nội dung: từ mua trái cây đến mua thịt, cá, con vật,…).
08. ĐÁNH TRỐNG LÃNG
Số lượng người chơi: Không giới hạn
Cách chơi:
Quản trò hỏi người chơi một chuyện gì đó. Người này không được trả lời câu hỏi đó nhưng nói lảng qua một câu chuyện khác. Ai trả lời ngập ngừng thì bị phạt.
Ví dụ: Quản trò: Hôm qua anh ở đâu ?
Người chơi: Hôm nay trời đẹp quá !
09. XIN MỜI
Mục đích: Gây bầu khí, để làm quen, kết thân với những người trong phòng.
Giáo dục: Giúp nhanh nhẹn, hiểu rỏ mối tương quan với những người xung quanh mình.
Luật chơi:
QT: Xin mời! xin mời!
TC: Mời ai? mời ai?
QT: Mời những người có đeo đồng hồ (những ai đeo đồng hồ liền đổi chỗ nhau), hay mời những người mặc áo vàng, những người có cột tóc…
10. KẾT ĐOÀN
Mục đích: Gây bầu khí vui vẻ trước khi chơi, để kết thân, hay để chuyển sang trò chơi khác.
Giáo dục: Giúp sống hòa đồng với nhau.
Luật chơi:
QT: Kết đoàn, kết đoàn!
TC: Kết mấy, kết mấy?
QT: Kết 5 (năm người tụm lại thành một nhóm), hay kết 7 người 11 chân…
11. HOA NỞ (dạng khác của trò chơi “kết đoàn”).
Mục đích: Gây bầu khí vui vẻ trước khi chơi, để kết thân, hay để chuyển sang trò chơi khác.
Rèn luyện: Sự nhanh nhẹn.
Giáo dục: Tinh thần quan tâm tới đời sống tập thể.
Luật chơi:
QT: Hoa nở, hoa nở.
TC: Mấy cánh, mấy cánh.
QT: Hoa nở 7 cánh (bảy người tụm lại thành một nhóm).
12. TÔI THƯƠNG
Mục đích: Gây bầu khí sinh động trước khi chơi, và để kết thân.
Rèn luyện: Sự nhanh nhẹn.
Giáo dục: Tìm ra những điều thú vị nơi những người bạn của mình để học hỏi và tạ ơn Chúa.
Luật chơi:
QT: Tôi thương, tôi thương.
TC: Thương ai, thương ai.
QT: Thương Tâm, thương Tâm.
TC: vì Tâm tương tư (Thương ai phải nói tên người đó liền với hai tính từ cùng vần đầu của tên).
13. BAN NHẠC HÒA TẤU
Mục đích: Tạo bầu khí sinh động trước khi sinh hoạt.
Rèn luyện: Sự quan sát.
Giáo dục: Ý thức về âm thanh của những dụng cụ âm nhạc quanh ta.
Địa điểm: Vòng tròn.
Luật chơi: Vòng tròn được chia thành 4 nhóm:
+ Nhóm 1: Thực hiện tiếng trống “Thùng thình”.
+ Nhóm 2: Thực hiện tiếng mỏ “Tóc tóc”.
+ Nhóm 3: Thực hiện tiếng đàn “Tùng tùng”.
+ Nhóm 4: Thực hiện tiếng chuông “Keng keng”.
– Quản trò đưa tay về phía nhóm nào thì nhóm đó sẽ reo vang loại nhạc cụ mà mình được phân công.
– Để trò chơi thêm hứng thú, quản trò có thể điều khiển một lúc hai tay và khi đưa tay lên thì đồng loạt bốn nhạc cụ đều vang lên và ngân dài nhạc cụ của mình, quản trò chỉ tay dưới đất thì tất cả đều phát ra tiếng “Hùm hùm…” và trò chơi được tiếp tục.
14. KHĂN CƯỜI
Mục đích: Giúp lạc quan, chú ý, tạo bầu khí.
Giáo dục: Cười dù tốt nhưng đúng nơi đúng chỗ.
Lứa tuổi: Tất cả.
Cách chơi:
Quản trò đứng giữa vòng tròn tung khăn tay lên trời vừa cười, vừa làm bất cứ động tác nào đó. Những người trong vòng bắt đầu cười thỏa thích và làm theo động tác của quản trò. Khi khăn tay chạm đất tất cả mọi người phải đứng yên theo tư thế đã làm, không được nhúc nhích. Hễ ai cử động hoặc cười thành tiếng sẽ bị loại khỏi trò chơi.
Lưu ý: Người trong vòng chỉ được cười khi thấy khăn rời khỏi tay quản trò. Để lừa người chơi, quản trò có thể giả bộ tung khăn ra. Đôi lúc chọc cho người trong vòng tròn cười sau khi khăn đã chạm đất. Để tạo sự ngộ nghĩnh, quản trò có thể cho phép người chơi làm bất cứ động tác nào khi cười.
15. CON THỎ ĂN CỎ
Số lượng: 30 người trở lên, có thể chia nhiều nhóm.
Cách chơi:
– Quản trò: đưa bàn tay chụm lại hô “Con thỏ”
– Người chơi: lặp lại theo lời quản trò nói “Con thỏ”
– Quản trò: đưa tay này qua tay kia hô “ăn cỏ”
– Người chơi: làm theo và nói “ăn cỏ”
– Quản trò: đưa tay lên miệng hô “Uống nước”
– Người chơi: làm theo và nói “Uống nước”
– Quản trò: đưa tay lên lỗ tai hô “chui vô hang”, chấp tay lại hô “thỏ ngủ”
Người chơi phải làm theo quản trò nếu làm sai sẽ bị phạt, quản trò chú ý phải làm dần dần nhanh (có thể nâng lên bằng cách nói và làm khác nhau).